Tâm sự chủ nhà hàng tự nấu cơm cho người cách ly

Mặc dù việc vào bếp nấu cơm cho khu cách ly bận rộn hơn trước nhưng anh Thắng rất vui vì góp được chút công sức giúp cộng đồng trong mùa dịch.

Dịch bệnh COVID-19 khiến không ít nhà hàng, quán ăn, nhiều người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, khó khăn nhưng không phải vì khó khăn mà họ không nghĩ đến cộng đồng, ngược lại họ còn đang đóng góp công sức, thời gian cho những bệnh viện, khu cách ly tập trung hay những vùng dịch bệnh đang diễn diến phức tạp.


Cả gia đình ủng hộ

Trao đổi với PV sáng ngày 29/5, anh Nguyễn Văn Thắng, chủ nhà hàng Thủy Quán (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, từ khi có thông báo các nhà hàng, quán ăn đóng cửa, chỉ được bán mang về để phòng chống dịch bệnh COVID-19 là anh phải chấp hành ngay.

Đồng thời anh cũng nghĩ đến việc kêu gọi anh em, bạn bè cùng góp công sức nấu những bữa ăn cho bệnh viện và khu cách ly ở quanh khu vực TP Lạng Sơn.

Anh Thắng chia sẻ, thông qua một số nguồn tin từ người quen, anh biết được trong khu cách ly, các bác sĩ, những người phải cách ly tập trung cũng rất thiếu thốn nên anh đã bàn với anh em, bạn bè để bắt tay vào việc ngay.

"Hiện trên địa bàn TP Lạng Sơn có 4-5 điểm cách ly tập trung và tôi đang phục vụ cho 3 điểm, trong đó có Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn và một trung tâm cách ly ở thị trấn Đồng Đăng.

Đối với Bệnh viện Y học cổ truyền, nhóm của tôi phục vụ đủ 3 bữa là sáng, trưa, tối. Những hôm có các nhà tài trợ, từ thiện đến ủng hộ bữa sáng thì phía bệnh viện sẽ báo lại để tôi không làm bữa sáng đó nữa.

Còn Trung tâm cách ly ở Đồng Đăng, tôi phục vụ 2 bữa chính là trưa và tối, bữa sáng phía bệnh viện tự lo cho người cách ly do địa điểm di chuyển từ TP Lạng Sơn đến huyện Cao Lộc cũng khá xa. Riêng đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, đa số nhóm tôi phục vụ các y bác sĩ tại đây và thường làm theo mong muốn của các y bác sĩ", anh Thắng chia sẻ.

Anh Thắng vừa tự vào bếp nấu cơm và chở các suất ăn, phần quà đến cho các khu cách ly tập trung

Anh Thắng chia sẻ, các y bác sĩ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật hàng ngày phải đi đến các huyện, các điểm cách ly tập trung hay tiếp xúc với F0, đi lại nhiều nên họ có nhu cầu ăn những món gì thường bên anh sẽ đáp ứng đầy đủ.

Về chi phí để làm việc này, chủ nhà hàng Thủy Quán chia sẻ, chi phí anh lấy từ nguồn kêu gọi ủng hộ. Có người ủng hộ bằng tiền mặt, có người ủng hộ thùng cháo, thùng mì tôm hay thùng cà chua, dưa chuột, túi rau...

"Hàng ngày, việc vào bếp là do tôi với 2 anh em đầu bếp khác, còn việc sắp xếp xuất ăn là do một số người trong nhóm chia nhau làm, việc chở các suất ăn đó đến các khu các ly chúng tôi cũng chia người làm, mỗi người đi 1 nơi để đảm bảo giờ ăn cho mọi người được chuẩn.

Thực phẩm cũng như việc chế biến thức ăn được làm tại nhà hàng tôi nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu", anh Thắng nói thêm.

Khi được hỏi về việc người nhà có phản đối công việc hiện tại không, anh Thắng chia sẻ, ai trong gia đình anh cũng vui vẻ, ủng hộ. Ngay cả người giúp việc cho gia đình anh cũng xin được ở lại giúp đỡ anh không lương.

"Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tôi thấy mình làm được gì thì sẵn sàng làm việc đó, nhà tôi cũng vậy, chưa ai kêu ca phàn nàn với tôi. Mặc dù bận rộn hơn trước mở nhà hàng nhưng tôi thấy rất vui vì đóng góp được một phần công sức trong công cuộc phòng chống dịch bệnh này.

Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để mọi người được quay trở lại cuộc sống bình thường như trước kia", anh Thắng nói thêm.

Bác xe ôm vét túi mua khẩu trang ủng hộ Bắc Giang

Câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi chạy xe ôm công nghệ vét túi đủ tiền mua 1 hộp khẩu trang gửi cho người dân Bắc Giang được anh Bùi Minh Thông (21 tuổi, quận 12, TP.HCM) chia sẻ cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, anh Thông chia sẻ, hôm đó vào trưa ngày 24/5, khi anh đang dừng đèn đỏ ở đường Võ Văn Ngân và quốc lộ 52 (TP.HCM) thì có một bác chạy xe ôm công nghệ dừng sát bên, trên xe có treo chừng 10 cốc trà sữa.

Khi anh Thông nhìn sang thì thấy bác xe ôm cũng đang nhìn anh và hỏi anh chở khẩu trang đi đâu. Khi biết anh đang đi quyên góp khẩu trang để gửi về Bắc Giang chống dịch thì người đàn ông này đã đưa tay vào túi lấy ra chiếc ví, bên trong chỉ có 2 tờ 10.000 đồng, 1 tờ 20.000 đồng và vài tờ 2.000 đồng cũ.

Lúc đó, bác xe ôm đã lấy 40.000 đồng đưa cho anh Thông và nhờ anh này mua giúp 1 hộp khẩu trang gửi về Bắc Giang.

Anh Thông chia sẻ, sau khi nhận tiền từ tay người đàn ông chạy xe ôm, thì đèn giao thông đã chuyển sang xanh và anh chưa kịp nói lời cảm ơn tới người này.


Các thành viên của tổ chức Green Trips gửi 20.000 khẩu trang đã quyên góp được cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TNO

“Tôi nhận được rất nhiều thứ từ bác trong 50 giây dừng đèn đỏ, không chỉ là 40.000 đồng. Bác cho đi những tờ tiền cuối cùng trong ví, có thể số tiền đó không quá lớn nhưng đó là tất cả tấm lòng của bác muốn gửi cho người dân Bắc Giang trong lúc dịch bệnh Covid hoành hành”, anh Thông nói.

Được biết, từ ngày 22/5 đến nay, anh Thông và các thành viên của Green Trips Việt Nam - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động chủ yếu về môi trường đã quyên góp được hơn 20.000 khẩu trang lớn nhỏ cũng như các nhu yếu phẩm khác gửi về phương Dĩnh Kế, TP.Bắc Giang. Hiện tại nhóm vẫn đang tiến hành kêu gọi quyên góp để ủng hộ bà con vùng dịch.

"Mong rằng qua câu chuyện về bác xe ôm, mọi người có thể góp sức bằng cách ủng hộ khẩu trang, hay đơn giản là gửi lời chúc đến các vùng có dịch. Mong Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung vượt qua đại dịch”, anh Thông nói.

Theo Mai Thùy Báo Trí Thức
Tin Trước Tin Sau